10/8/2022
“Inside out” là phim hoạt hình Disney mà em thích nhất mọi thời đại. Nếu như ở các phim trước của Disney đều nói về :look inside yourself, you’ll find your authentic true self ( Follow your heart), thì phim này hoàn toàn nói ngược lại tất cả những lý thuyết trên.
Ở trong phim này nó chỉ ra rằng, thật ra trên đời này chẳng có cái gì gọi là cái tôi cả, cũng chẳng có một nhân vật nào gọi là Captain để điều khiển tất cả mọi thứ. Như trích đoạn ở trên anh sẽ thấy, ở trong não có một tổng hành dinh được điều khiển equally giữa các cảm xúc: Vui, buồn, giận, sợ và Ghê (disgust). Tức là thật ra mình chẳng khác gì robot cả, em thật ra không phải được điều khiển bởi một thứ sáng lấp lánh như là linh hồn, mà bởi a very complicated neuro-biological mechanism được điền khiển không phải bởi một chip set có 1 lõi, mà giống chip intel core i5, tức là có tới 5 lõi điều khiển như 5 forces sometimes even conflicting. Thật ra điều này đã được chứng minh bởi khoa học não bộ rồi, em nhớ đã đọc đâu đó là cho tới bây giờ thì khoa học đã chứng minh được là không có một vị trí nào ở trên não được gọi là Pilot Captain cả, mình cứ tưởng tượng là sẽ có một Mai đang ngồi ở giữa não của mình để lát phi thuyền tên là Mai-Sky cả.
Một thời gian dài, em tự hồ đồ mà cho rằng Joy chính là bản thân mình, nhưng thật ra Joy chỉ là one of the captain of the mothership thôi. Vậy nên khi Joy không đứng ở bản điều khiển mà Sadness đứng ở bảng điều khiển thì em vùng vẫy khổ sở, từ chối nói rằng, không phải đây không phải là tôi, đây chỉ là kẻ thâm nhập vào buồng điều khiển của tôi và tôi phải đuổi Sadness đi nhanh nhất có thể. Em đã không nhận ra rằng, Joy thật ra chỉ là một phần rất nhỏ trong bộ máy đang điều khiển một cái thực thể tên là Mai-Sky thôi.
Cho nên cái câu hỏi mà mình thực sự cần phải hỏi là : “What are the questions?” Tức là cách đặt vấn đề của mình là như thế nào, chứ không phải là câu trả lời là gì, vì bản thân câu trả lời nó thay đổi thường xuyên. Nếu ai đó là độc giả của trang viết nội tâm của em sẽ thấy câu trả lời của em thay đổi nhanh như thế nào.
14/08/22
Mãi tới hôm nay mới có sức để viết tiếp về chủ đề này, mà tâm hồn của mình thì đã đi xa tận đâu rồi. Ngồi nghĩ mãi cũng chưa biết sẽ viết tiếp thế nào cho nó trơn tru. Thôi thì mình tạm ngắt một đoạn nói về cái sự đam mê viết của em.
Nếu có dịp quan sát một người thích viết cặm cụi sáng tác, hẳn anh sẽ thắc mắc là không biết người viết có vui không? Vì người viết ấy cơ bản là chỉ ngồi trước màn hình từ giờ này qua giờ nọ, ngày này qua tháng nọ, cặm cụi gõ từng con chữ. Quanh đi quẩn lại thì cũng chỉ có hai mươi bảy con chữ cái đó thôi, chẳng có gì mới mẻ. Nếu người đánh đàn guitar, sẽ vừa có thể đánh đàn, vừa hát, lại vừa có thể nhìn người đối diện, trong thật là mời gọi và dễ thương. Xét về hình thức, thì người thích viết nhìn thua kém xa người đánh đàn. Trong người viết ấy như người lao động khổ sai hay kẻ bị trời đày. Như em đi làm về, cất đồ, sau đó đi thẳng vào phòng làm việc ngồi viết, tức là đi từ cái màn hình này sang cái màn hình khác. Dường như, bao nhiêu tinh tuý, người viết văn đã trút hết vào trang giấy, chỉ cần đọc bài của người viết là đủ, đó là cách hiện diện của em trong cuộc đời này.
Vì Bliss có thể sẽ mở vài cái store ở Hà Nội, Hà nói với em là hay là Mai đi ra Hà Nội ở một hai năm, cho Mai deal với người Hà Nội ;). Bạn em vừa nói vừa chọc em, nhưng mà em nghe thì thấy cũng được nhỉ. Cũng là một trải nghiệm rất hay mà, lần đầu tiên em thấy mình không phản ứng với cái suy nghĩ đó nữa. Vài năm trước, hay là chỉ cần khoảng nửa năm trước thôi ai mà nói với em như vậy thì em sẽ giãy nảy lên tuyên bố là nếu mà có một ngày việc đó xảy ra, thì ngày đó tôi không còn sống nữa. Giống như em có thù truyền kiếp với Hà Nội vậy, thật là tội nghiệp Hà Nội. Hà Nội chưa hề đối xử tệ với em một lần nào luôn đó, em cũng chưa có một trải nghiệm nào rất xấu ở Hà Nội. Đồ ăn ở Hà Nội em ăn cũng thấy ngon, nhiều món bún, em thích lắm, thích hơn rất nhiều so với ẩm thực ở Hội An. Nên em cứ nghĩ mãi tại sao lại thế nhỉ? Em đoán chắc là do ba em, ba em một người con vì chiến tranh mà “chạy cộng sản” phải xa quê lưu lạc theo ba má tới Sài Gòn. Em nhớ năm em 16 tuổi, đi Hà Nội lần đầu tiên mà ba dặn đi dặn lại nào là không được nói chuyện phải để bạn nói, con tuyệt nhiên không được đi ra ngoài đường một mình, con đừng đụng vô bất kỳ thứ gì. Vài năm sau, em rủ ba đi Hà Nội một lần Ba nói suốt cuộc đời này sẽ không bao giờ đi.
Thì ra cái nỗi sợ đó, cùng với nỗi uất ức đó, em thừa hưởng một phần của ba. Phần đó là của ba em, nhưng mà em tưởng nhầm là của mình, tội nghiệp Hà Nội bị em ghét lây. Dĩ nhiên là Hà Nội có những điều xấu thiệt, nhưng mà ẩn tàng trong đó có những thứ hay ho mà cái thành phố Sài Gòn mê kinh doanh không có. Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội xịn ơi là xịn, tranh đẹp, thầy giáo dạy Hán Nôm của em là người Hà Nội, vẫn đang sống ở Hà Nội, một trí thức xịn mà em rất nể. Người học nhạc ở Hà Nội, nhất là những người đi theo con đường chuyên nghiệp thật là quyết liệt với nghề ( một phần cũng là vì có ba má cho tiền), như cô giáo em kể có một em bé 13 tuổi vào Sài Gòn học Harp chuyên nghiệp vì không có ai dạy ở ngoài đó. Mười ba tuổi mà đi du học âm nhạc chỉ vì mình thích quá, đủ thấy vẫn có một phần trí thức Hà Nội trọng nghệ thuật và văn hoá như thế nào. Cho nên khi Hà nói, Mai ra thử Hà Nội vài năm, xong em nghĩ thật ra cũng được nhỉ. Căn nhà này, dọn một lần đem hết ra ngoài Hà Nội là ở được chứ gì. Ở thử một năm xem bốn mùa ở Hà Nội là như thế nào, ở luôn thì chắc hên xui, nhưng ở thử để quan sát thì được mà.
Em viết tới đây mới thấy tại sao mình lại kể câu chuyện này. Thì ra đây chính là câu chuyện nói về sự an toàn của bản thân. Em thật sự cảm thấy an toàn trong chính bản thân mình, vì khi mình cảm thấy an toàn, mình mới có thể mở mắt ra và nhìn những sự vật sự việc theo một cách khác. Hay nói cách khác, trong mắt em, cuộc đời dường như đẹp hơn rất nhiều, gần như không có tạp chất kể cả là những sự việc tệ nhất, hoặc nếu có như, không thể không có thì em dường như cũng đã biết gạn lọc và giảm nó xuống mức thấp nhất. Thầy em nói là: “Cuộc đời này có rất nhiều hoa thơm cỏ lạ, hà cớ chi cứ dí mũi vào bãi phân trâu rồi bảo rằng đời rất thối”. Đúng là vậy thiệt, tất cả là do thái độ sống của mình thôi.
Căn nhà thì có thể dịch chuyển bất cứ đâu, và ở bất cứ đâu e cũng cảm thấy an toàn, voila, vậy là em có tự do. Cái tự do mà em muốn diễn tả là tự do trong tâm hồn, tự do trong sự lựa chọn và tự do trong suy nghĩ. Tự do là khi những lời nói của người khác không thể kiểm soát cảm xúc của mình nữa. Tự do là không để dư luận nhốt mình vào lồng, mặc sức hành hạ mà không hề phản kháng. Cuộc đời không thể là bộ sưu tập của những sai lầm được.
Tự do là khi em không thấy ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình, ngay cảm mẹ em. Tự do là không đổ lỗi cho bất kỳ ai về quyết định sai lầm của mình. Tự do là khi em không bó chặt suy nghĩ của mình theo một hướng, như là chắc chắn mình sẽ đi Hội An sống, hoặc như là chắc chắn mình sẽ không đi Hà Nội sống, thật ra tất cả những cái đó chỉ là suy nghĩ tự hạn chế bản thân mình. Khi mình không còn ở trong vòng luẩn quẩn đó, đứng ra ngoài một chút và nhìn lại, chợt thấy tại sao mình lại tự đi hạn chế cuộc đời của mình như vậy nhỉ, chẳng hiểu lúc trước mình đã nghĩ gì? Mình chọn đóng cửa với thế giới, lẽ dĩ nhiên thế giờ sẽ đóng cửa với mình thôi.
Nghĩ lại ba năm trước lúc em còn ở Chiang Mai, em thấy mình giống như bị mắc kẹt trong một vở kịch mà vai diễn của em bị trúng đạn ngay từ màn đầu. Toàn bộ phân cảnh còn lại em không chịu chết một cách êm ái, mà cố ngắc ngoải sống để trả thù tên sát nhân bằng cách bắn vào tim mình. Thật là tội nghiệp con người khờ khạo của em.
Hôm nay, Phương vừa kể em nghe chuyện một đồng nghiệp cũ người Hà Nội, ngày xưa đi vào Sài Gòn làm chung với Phương ở ngân hàng ANZ. Chị đó theo Phương đánh giá là rất có cá tính, strong opinion, và rất chịu chơi. Bẵng đi vài năm thì chị đó đi về Hà Nội lấy chồng, xong rồi bặt vô âm tín, không thể nào liên lạc được. Hỏi ra mới biết là chồng chị đó cấm không cho ra ngoài, và không được nói chuyện với bạn. Phương nghe vậy thì rất shock, shock tới nỗi nhớ để kể lại chuyện cho em tức là rất shock vì mấy tuần rồi em chưa nói chuyện với Phương. P nói là không thể tưởng tượng được người bạn mà mình quen lại có thể sống cuộc đời như vậy, giống như là hai con người khác nhau.
Em ngẫm nghĩ thì thấy hình như những người con Hà Nội cả trai lẫn gái, mà em quen biết đều vậy, tất cả những người con đó, ẩn sâu trong con người họ là cảm giác unworthiness và guilty. Khi chị bạn của Phương sống ở Sài Gòn hạnh phúc và tự do, nhưng đều cảm thấy mình không xứng đáng cuộc sống này, mình phải đi về Hà Nội, và mình phải cưới một người làm khổ mình, vì mình mắc tội với bản thân với cha mẹ nếu mà mình sống hạnh phúc. Giống như Hà chẳng hạn, cuộc sống của Hà tốt đẹp là vậy, nhưng cảm thấy mình không xứng đáng với những may mắn mình có trong đời nên việc Hà không có con được là điều đương nhiên. Và Hà càng chứng minh cái việc có tội đó của mình bằng năm năm trời dài với gần hai mươi lần IVF, mình mà thử cái gì tới lần thứ ba mà không được thì mình đã đi tìm giải pháp khác rồi, chứ ở đâu mà thử tới thử lui nhiều lần tới nỗi không đếm xuể như vậy. Lần trước em đi Hà Nội, gặp anh bạn của Hà ở Hà Nội là ở Ahamove cũng nói rằng mình đã từng sống ở Sài Gòn vài năm, thấy vui lắm nhiều cơ hội về Hà Nội thì văn phòng bé lắm, em hỏi ủa vậy tại sao anh lại quay lại Hà Nội thì anh trả lời là: Thì tới tuổi rồi nên phải về còn lo cưới vợ, làm ăn.
Nên là em thấy làm người con ở Hà Nội thật khổ, khổ vì cuộc đời của mình rộng lớn lắm, nhưng họ lại không cho phép mình sống cuộc đời rộng lớn đó. Họ sống trong mặc cảm tội lỗi, và nghĩ rằng: “This is it”, cuộc đời của họ đi đông đi tây thì cũng chỉ được có 1 cái kết là phải đi về Hà Nội sống thôi. Em có cảm giác nếu như cuộc sống của họ được viết thành một bài, thì trước khi bắt đầu, ngay cả trước khi viết phần mở bài, họ đã soạn sẵn cho mình một đoạn kết và cả dấu chấm câu cuối cùng. Cũng giống như em nửa năm trước nghĩ là cuộc đời của mình sẽ chị được có một cái kết là sẽ đi Hội An sống thôi. Họ có thể có hàng vạn lý do khác nhau, nhưng em nghĩ cái lớn nhất là cảm giác tội lỗi, và việc thấy mình không xứng đáng để sống cuộc sống hạnh phúc này. Cuộc đời là của mình, nhưng đoạn kết đã có người khác- có thể là ba mẹ, có thể là anh chị em, có thể là bà con dòng họ-viết giùm mình nhưng mình lại nghĩ rằng đoạn kết đó là do mình viết ra. Mà như vậy thì buồn lắm.
Vậy những câu hỏi mà e đặt ra cho phần đời tiếp theo của mình là gì, em nghĩ câu hỏi đó chưa bao giờ thay đổi đó chính là: “Làm thế nào để phát triển bản thân?” Nhưng nó không dừng lại ở chữ How, mà bao gồm cả What, Where, When, Who, Why.
- Why: Vì sự phát triển của bản thân là thứ dễ kiểm soát nhất, chỉ có mình mới có thể hiểu được mình, và cũng chỉ có mình mới có thể tạo nên những thay đổi đó
- Where: Ngày xưa thì em nghĩ rằng mình sẽ chờ đến lúc đi Hội An, mình sẽ hàng ngày ngồi học, phát triển bản thân. Mà bây giờ từ Hội An, em mở rộng ra cả thế giới rồi, ở đâu cũng được, kể cả Sài Gòn, Hà Nội miễn sao là ở đó em cảm thấy mình sẽ phát triển và học hỏi.
- Who: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Em rất muốn chia sẻ cái hành trình cuộc đời này với một ai đó, sẽ thú vị hơn biết bao nhiêu nếu như mình có thể học cùng nhau, và phát triển cùng nhau.
- What: Nói tất cả mọi thứ thì cuộc đời này sẽ không bao giờ đủ dài để mình có thể học được. Em muốn mình phát triển ở 3 mảng: Âm nhạc, tâm lý học và triết học theo thứ tự ưu tiên như vậy luôn. Âm nhạc bản thân nó cũng rộng lắm rồi, nên em muốn cụ thể hơn là Sáo, Harp và Piano.
- When: Anh biết trong công ty của em, em nổi tiếng nhất là gì không? Liền 🙂 , ngay bây giờ, từng ngày từng giờ từng phút từng giây.