Bà Ngoại em mất năm em học lớp Bảy. Trong một chấn thương tinh thần, bà ngoại đột nhiên mắc bệnh ung thư phổi, mà không hiểu vì sao lại bị bệnh như vậy. Đó là lần đầu tiên, em biết cái chết thật sự diễn ra như thế nào. Ngày hôm đó, trong lúc tắm bà Ngoại gội đầu và bị mệt, mọi người chuyển bà Ngoại vào viện rồi cứ thế đi luôn. Năm đó bà Ngoại vừa tròn 63 tuổi.
Trẻ con thường thì không thấy cái chết có liên quan gì đến mình. Hoặc giả cái chết ở xa quá, tận mút bên kia cuộc đời, vì vậy đứa trẻ như em chẳng mấy bận tâm. Năm em tám tuổi, em đã nghĩ rằng chết cũng là một giấc ngủ dài, khác là mình sẽ không thức dậy nữa thôi. Nên khi người ta nói bà còn một năm nữa để sống, em đã không quá lo sợ cho cái chết của bà Ngoại.
Càng lớn thì người ta càng đến gần cái chết, vì thế người ta sợ. Cái chết cũng giống như chiến tranh. Khi chiến tranh còn ở xa, người ta chỉ nhìn thấy nó trên các bản tin thời sự báo chí hoặc trên tivi, do đó người ta không có cảm giác sợ hãi. Người ta đọc tin chiến sự cũng bình thản như đọc tin thời tiết. Nhưng khi chiến tranh lan đến trước cửa nhà và bom rơi ngay trên nóc hầm, nỗi sợ lúc đó sẽ tóm lấy gáy từng người. Thật ra, con người ít nghĩ tới cái chết, vì nếu nó cứ quẩn quanh trong đầu mình thì sẽ chẳng còn niềm vui sống nào cả.
Nhưng khổ thay, thi thoảng cái chết vẫn nghĩ đến mình. Đó là khi một người thân quen của mình qua đời, và mình buộc phải nghĩ đến nó. Lúc đó, tim em thắt lại. Năm em mười hai tuổi, chứng kiến cái chết của bà ngoại, em đã khóc suốt mấy ngày liền. Nhưng em chỉ thấy buồn lúc đó thôi, vài tuần sau mải học mải chơi, em lại quên ngay.
Gia đình bên ngoại của em, là Bắc kỳ 54, là những con chiên ngoan đạo nghe theo lời cha xứ chạy giặc vào trong Nam, nên khi relocate ở Sài Gòn nghiễm nhiên là sẽ ở gần sát bên nhau. Bà Cố, ông Quý, bà trẻ Hoa nhỏ ở cùng nhau và ở kế bên nhà bà Ngoại em, bà trẻ Hoa lớn ở cách đó 30 bước chân, bà trẻ Vinh thì xa hơn một xíu cách nhà bà Cố 10 phút đi bộ. Và nhà của em thì cách nhà bà Cố năm mươi lăm bước chân.
Em kể ra như vậy để nói rằng xung quanh nơi em sống có rất nhiều người già, đối với năm 2022 thì độ tuổi đó không già như đối với năm 2000 thì những người bước sang tuổi 50 đã là già lắm rồi. Già thì dĩ nhiên sẽ phải chết, đối với người lớn, nhất là người già thì cái chết trầm trọng lắm. Nó trầm trọng vì nó đáng sợ. Đáng sợ nhất là không ai biết bản chất cái chết là gì. Từ cổ chí kim, chưa ai kể lại được cái chết của mình. Chẳng thà cái chết tồi tệ hơn thực tế, nhưng đâu ra đó rõ ràng, giống như em nói hôm qua yêu thì cứ nói là yêu, chứ cứ câm nín không nói thì còn khổ hơn nhiều lần. Nếu cái chết có thể rõ ràng như tình yêu thì mình đã có thể chuẩn bị tinh thần đón nhận và nghĩ ra cách đối xử với nó – như vậy thì đỡ sợ hơn.
Khi học trò Tử Lộ hỏi: ” Xin thầy cho con biết đạo lý của sự chết.” Khổng Tử cũng chỉ biết gãi đầu bối rối ” Sống ta còn chưa biết hết, làm thế nào biết được sự chết?” . Triết học phương Tây thì nói thẳng ra rằng: ” Trên đời chỉ có hai loại người: những người đã chết và những người đang chết”
Phương Tây nói đúng quá. Con người xét cho cùng ngay từ khi ra đời đã cần mẫn kéo nhau đi từ điểm khởi đầu đến điểm kết thúc – như kéo một đoạn thẳng từ điểm A đến điểm B trong phép hình học. Những người đã chết là những kẻ đã đến đích, còn những người “đang chết” (trong đó có cả người đang viết) đang từng ngày lê bước để hoàn tất hành trình một kiếp người.
—
Quay lại câu chuyện của em và những người tạm gọi là già sống xung quanh em ở thời ấu thơ. Cái chết của bà ngoại là phát súng nổ đầu cho một chuỗi những đám tang tiếp theo, cứ đều đặn mỗi năm một người, bà Ngoại thì chết vì ung thư phổi, ông Bích chồng của bà trẻ Hoa lớn thì chết vì ung thư gan, ông Vinh chồng của bà trẻ Vinh thì chết vì ung thử phổi, bà Cố chết vì quá già, ông Ngoại chết vì bệnh cao huyết áp lâu năm, Bà trẻ Hoa Lớn chết đột ngột ở tuổi 56 vì vỡ mạch máu tim. Chết nhiều tới nỗi, cậu em khi gọi điện thoại sang nhà đòn còn nói đùa: “nhà Bà Nam ( bà ngoại của em) ở hẻm 351 nè, mối mấy năm liền, qua đi nha.”
Em đã lớn lên cùng với rất nhiều cái chết của người thân như vậy đó. Đối với người chết thì như một giấc ngủ dài, đối với người sống (là em) thì là sự phai nhạt ký ức. Ban đầu thì thi thoảng mình còn nhớ tới, lâu dần thì thành quen, cảm giác như người đó chưa từng tồn tại vậy.
Em sinh ra trong cả hai gia đình nội ngoại với những chiếc cây đầy lá, từng năm một từng chiếc lá thi nhau rụng xuống rồi tan rã trên nền đất mà không có cách nào thay thế được. Thứ còn lại chỉ là một chiếc cành khô nơi bóng hình của chiếc lá còn thấp thoáng đâu đây.
—
Em có sợ chết không?
Em cảm thấy gì khi nghĩ đến cái chết?
Nếu anh hỏi em như vậy thì em sẽ trả lời là em không sợ, nhưng em cảm thấy buồn. Những cái chết luôn gieo vào tâm hồn em một nỗi quạnh hiu. Mỗi khi một người thân, hay một người quen biết, thậm chí là người mình chỉ gặp thoáng qua qua đời, lòng em lập tức hoá thành tháng mười một mưa dầm.
Cách đây mười lăm năm, Tết nào em cũng nô nức chuẩn bị quần áo đẹp để chụp hình chung với một đại gia đình đông đúc, hết bên Nội rồi đến bên Ngoại. Thời gian trôi qua, gia đình thưa thớt dần, nhà Ngoại ngoảnh qua ngoảnh lại chẳng còn ai. Rồi ông Nội cũng chết đi, ba em cũng qua đời. Những cái Tết vắng người tới nỗi mình chỉ muốn đi thật xa, vì nhìn những tấm lịch, tờ báo và bánh kẹo bày trước mặt, một cảm giác bâng khuâng trống trải tràn về và nhanh chóng sẽ lấp đầy tâm hồn em mất.
Em lớn lên với truyện loài vật Tô Hoài, hay nhà Văn Nguyễn Quang Sáng đã ghé sang trường học cấp 2 Nguyễn Văn Tố của em để nói chuyện. Khi nghe tin từng người trong số họ qua đời, em luôn cảm thấy buồn bã và mất mát. Sự ra đi của những tâm hồn mà em có dịp được chạm vào, được hâm mộ cũng gây cho em cảm giác chông chênh đó.
Ngay cả những người ở xa tít tắp, cách nơi em sống hàng vạn dặm, như Anthony Bourdain, Michael Jackson, hay cả những nhân vật tưởng tượng như Sirius Black, thầy Dumbledore, mẹ của Scarlett bà Ellen O’hara, gần đây nhất Nữ Hoàng Elizabeth II, khi nghe tin người mới qua đời, em cũng thấy rõ nỗi buồn vô hạn ngấm vào tim em và ở lại trong nhiều ngày. Trong tiếng việt không có từ diễn tả cái nỗi buồn này, trong tiếng anh có một từ mà em rất thích gọi là melancholy. Melancholy không phải là sự giận dữ hay cay đắng, mà nó là một thể loại buồn rất nhân văn chỉ xuất hiện khi mình mở lòng và chấp nhận một sự thật rằng cuộc sống quả thật rất khó khăn và đau khổ, thất vọng chính là cốt lõi của việc làm người. Nó không phải là một thể loại hỗn loạn tâm lý cần phải được chữa trị, nó là một thứ tender-hearted, calm, dispassionate acknowledgement of how much pain we must inevitably all travel through.
Em buồn là bởi vì em lớn lên cùng với tâm hồn cũng những con người vĩ đại như vậy, và họ trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời em, góp phần tạo nên đời sống tinh thần của một người con gái sống vắt qua hai thế kỷ.
—
Những cuộc giã từ lần lượt đó từ những người thân thuộc nhất là Bà Ngoại cho tới người xa tít tắp là Queen Elizabeth II khiến em cảm thấy cô đơn, tạo cho em cảm giác mình đang rớt ra khỏi thời đại mình đang sống ( hoặc là thời đại mình đang sống dần lìa bỏ em), cái bản đồ tuổi thơ em vẽ ở trên đã xa lắm lắm rồi. Nhà bà Ngoại biến thành nhà dì Ngọc, nhà bà Cố biến thành nhà cậu Lộc, nhà Mai, nhà Bà trẻ hoa lớn, nhà bà trẻ Vinh thì không còn tồn tại nữa. Thế giới tuổi thơ trong mắt em ngày càng hoang vắng.
Ôi, em đang viết cái gì thế này, sáng thứ bảy trời đẹp trong xanh mà em tưới ướt cả cái cõi lòng của mình, điểm thêm vào bông hoa sầu muộn và ngẩn ngơ.
Tựa đề bài viết là sống, mà em lại viết về cái chết. Em muốn mượn cái chết để nói lên rằng, cuộc đời người quả thật rất ngắn nếu mà mình có thể dùng hết nhiệt huyết của mình để sống một cách trọn vẹn, để sống cái cuộc đời của chính mình mà không phải của ai khác thì quả là hạnh phúc nhất trần đời. Hồi nhỏ, tuy không ý thức được hết ý nghĩa của sự sống, nhưng cơ hội được chạm mặt rất nhiều lần với cái chết đã giúp em ý thức được việc xây dựng một cuộc đời có ý nghĩa là như thế nào.
Hôm nọ anh Tri hỏi em: Ba chết không hard hả? how did you cope with it? Em cứ nghĩ miên man mãn, quả thật lúc đó không hard lắm thiệt. Em không sa đà vào rượu chè, không ngập chìm trong đau khổ, không nhấn mình xuống mười tám tầng địa ngục, em vẫn hoạt động bình thường. Em hoàn toàn ý thức được sự đau khổ sẽ đến sau đám tang, khi mà mọi thứ thật sự vắng lặng. Em sợ là mẹ em sẽ cùng quẫn đến phát điên nên em cứ ở nhà, không đi ra ngoài cả một tháng trời cho tới khi mẹ nói với em là em có thể đi làm được rồi. Em tìm mãi lý do cho những quả cảm, can đảm và bình tĩnh của mình, mãi đến thứ ba tuần này em tâm sự với anh Đức thì mới chợt nhớ ra. Ngay từ lúc ba đi vào ICU thì em đã có một ý nghĩ: Ba em đã sống một cuộc đời rất sung sướng và hạnh phúc, đủ đầy, không còn đòi hỏi gì hơn nữa. Có tiếc là thời gian tận hưởng không được dài thôi, nên em không có gì lo lắng cho cái chết của ba cả.
Cái ý nghĩ đó là điểm sáng trong lòng em, là một ngọn đèn soi rọi cái cõi lòng ướt sũng bão giông của em, giúp em vượt qua toàn bộ những khoảng khắc khó khăn nhất. Bây giờ thì em nghĩ khác rồi, em nghĩ cuộc đời của ba không được hạnh phúc, và cái chết đó đúng là một sự giải thoát đúng thời điểm. Nhưng mà chuyện này em sẽ nói vào một dịp khác nếu không thì anh sẽ ngồi ở đây đọc bài viết này thêm 10 tiếng đồng hồ nữa.
Sáng nay khi ngồi xuống viết bài này em đã nghĩ nó sẽ là một bài viết vui tươi, em định sẽ kể về những kỷ niệm đẹp hồi còn ấu thơ, khi bà ngoại cho ngửi trái thị, khi ông ngoại cho ăn tiết canh vịt máu đỏ lè, khi bà trẻ dắt vào ca đoàn của nhà thờ để hát vậy mà những ngón tay của em lại bẻ lệch hướng 180 độ mà viết về màu của mất mát và ngẩn ngơ.
Mà vậy cũng được, chắc có lẽ là lòng em buồn lắm mà em không nhận ra thôi. Cũng may còn có trang giấy này để chừa chỗ cho nỗi buồn ghé thăm 🙂