Như em đã kể hôm qua, khi viết bài viết về bà Ngoại em chỉ định kể về những trải nghiệm tuổi thơ của em, với các bà, với nhà thờ, với ca đoàn. Vậy mà em lại chọn một mở bài nói về cái chết, thế là con tàu suy nghĩ của em đi trật đường ray ngay từ lúc viết câu đầu tiên. Hôm nay, con tàu quay lại ga cũ nên em lại hạ quyết tâm ngồi xuống và hướng con tàu đi đúng đến cái ga đỗ mà sáng hôm qua em đã vạch ra.
Đúng là bà Ngoại em mất năm em học lớp bảy thiệt, nên bây giờ mình sẽ lùi lại một vài năm trước đó để kể về tuổi thơ của em. Chẳng hạn như là lớp một hoặc lớp hai thì lúc đó cuộc sống của em như thế nào nhỉ?
Có một sự thật mà em không kể đó là em là con gái trưởng của con gái trưởng của con gái trưởng của một người con gái trưởng khác. Tức là Bà cố em cũng là con gái đầu, bà Ngọai cũng như vậy, mẹ em cũng như vậy và đến phiên em cũng là như vậy, mà trước đó nữa thì em không biết vì bà Cố đã chết rồi nên em không còn ai để hỏi cả. Người ta nói không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, vậy là đến đời của em là đời thứ 4 rồi đó, chẳng biết có đời thứ 5 không nhỉ?
Thỉnh thoảng trong những bài viết luôn tuồn của em có một câu hỏi hay được đặt ra mà mãi chưa có câu trả lời: Một đứa trẻ như em, sinh ra trong một gia đình không mấy hạnh phúc như em, tại sao lại có thể cười giòn tan mỗi ngày? Tại sao em lại có thể có một tâm hồn khác hẳn với mẹ và em gái của mình? Cái chồi đó mọc ra từ đâu?
Mãi đến hai ba tuần trước, khi nhìn ngắm những trái thị và xuýt xoa ngửi nó tới lúc không còn gì để ngửi thì em mới chợt nhận ra những ánh sáng tươi đẹp trong lòng của mình đã được nhóm lên như thế nào.
Em nghĩ là nó đã được nhóm lên với tất cả những người bà mà em đã lớn lên và tiếp xúc hàng ngày – bà Ngoại, bà Cố, bà Trẻ Hoa lớn, bà trẻ Vinh. Những người bà hiền hậu, những con chiên ngoan đạo sùng bái Đức Chúa Trời cứu rỗi cuộc đời lắm chông gai của mình.
Anh đã từng nghe một người Công Giáo người Bắc những năm 54 di dân vào Nam nói chuyện chưa? Nếu chưa thì anh nên thử tìm một lần để nghe vì chất giọng của những người này ấm áp, rền vang, và đi vào lòng người, chỉ cần nghe giọng nói thì mình sẽ biết là đây là một người tốt. Chất giọng của những người bà của em là vậy đó anh, nếu có thể so sánh thì em sẽ tạm so sánh với giọng của Nguyễn Ngọc Ngạn, giọng nói là khi mình buồn muốn khóc, nếu được an ủi bằng chất giọng này mình sẽ thấy đời chẳng có gì đáng buồn cả.
Nhà bà Ngoại em bán tạp hoá, nổi tiếng cả cái xóm đó, gọi là tiệm tạp hoá Bà Nam. Bán tạp hoá nghĩa là nhà bà Ngoại lúc nào cũng mở cửa, người ra người vô tấp nập. Bà Ngoại còn có những bà khách quen như bà Minh mỗi ngày đi chợ về sẽ ghé ngang nhà bà Nam uống một chai bia rồi mới về nhà, thiệt là dễ thương. Mẹ em sinh bé Ty ra lúc em ba tuổi, ba tuổi là cái tuổi có thể tự biết đường đi rồi, thời đó thì không có xe máy, cũng không có bắt cóc nên ba tuổi là em có thể tự sang nhà Ngoại một mình, cách nhà mình đang ở năm mươi lăm bước chân.
Nên từ ba tuổi trở đi, là em hầu như ở nhà Ngoại, phụ bà ngoại bán hàng ( chơi ) , phụ các dì làm yaua, đọc truyện bảy viên ngọc rồng của cậu, ăn tiết canh chung với ông Ngoại và đi nhà thờ với Bà Cố. Nên là em (bé Mai) và em của em (bé Ty) khác nhau nhiều lắm. Bé ty thì thích ăn pizza, hamburger, bé Mai vì từ nhỏ ăn theo bà Ngoại nên thích ăn bánh cốm, bánh đậu xanh, bánh giầy, thích ngửi trái thị vì bà Ngoại của bé Mai thích trái thị lắm. Đến tận ba mươi ba tuổi như bây giờ, bé Mai vẫn thích ngửi trái thị, dường như mùi hương trái thị lúc nào cũng dẫn bé Mai về một tuổi thơ đẹp rực rỡ.
Đối với người lớn ba mươi ba tuổi khi mà cuộc đời càng ngày càng đi dần về mút bên kia của cuộc đời, thì mình thường ao ước trở thành những tỷ phú thời gian như khi mình còn là trẻ nhỏ. Suốt những năm học tiểu học, mỗi khi bị mẹ la, em chỉ cần chạy qua nhà bà Ngoại một lát thì sẽ vui lên ngay. Ngày đó nhà em nghèo lắm, nghèo tới nỗi không có tivi, nên mỗi buổi tối em sẽ chạy sang nhà Ngoại xem phim chưởng cùng các dì. Em học giỏi, nên không tốn quá nhiều thời gian để làm bài tập, các bạn trong xóm đều trong diện chờ đi Mỹ nên chẳng đứa nào chịu học, vì vậy vào lúc đó thì giờ của tụi em thật là mênh mông. Tụi em bày hết trò chơi này đến trò chơi khác, vẫn thấy mình chỉ choán được một góc của cuộc đời, thời gian rủng rỉnh bỏ túi không biết làm gì cho hết. Có lẽ vì vậy mà tuổi thơ của em được kéo dài hơn những người khác, hay hơn những đứa trẻ con bây giờ. Trẻ con bây giờ phải nhồi vào đầu đủ thứ trên đời, phải học như thể ngày mai sẽ chết, không có thời gian để chơi, thậm chí để ngủ và tuổi thơ của chúng qua nhanh đến mức em không thể không tiếc giùm cho chúng.
Bà Ngoại của em thương em lắm, vì em là đứa cháu đầu tiên của cả dòng họ, nên em đi đâu cũng được cưng chiều và ai làm gì cũng dắt em theo. Ngay cả việc cả nhà thờ đi Vũng Tàu ( thời đó thì đi vũng tàu vừa xa vừa cực ) em cũng được đặc cách dắt theo, bà Ngoại còn mang theo máy chụp hình chụp em khắp nơi. Bà Ngoại em sống vất vả, bị ép gả cho ong Ngoại nên cuộc đời không mấy hạnh phúc, nhưng nhờ có Chúa ở trong tâm nên bà Ngoại sống rất an.
Em ngồi cố nhớ lại những mẩu chuyện ngày xưa đối đáp giữa mình với bà Ngoại như thế nào mà mãi không thể nhớ được. Có lẽ là cái chết quá sớm của bà Ngoại đã khiến cho tâm trí em cố tình làm phai nhạt những ký ức đó để em không đau buồn mà vui sống. Em chỉ có thể sống qua những câu chuyện mà mình được nghe lại từ những người lớn khác thôi. Như là chuyện ngày em sinh ra, thời đó không có siêu âm nên phải đợi tới ngày sinh thì mới biết được giới tính của đứa trẻ. Biết em là con gái nên Bà Nội không thèm tới thăm, chỉ có bà Ngoại ra bệnh viện với mẹ, ba thì đi làm ở đâu đó về hơi trễ. Khi ba vừa tới bệnh viện thì bà Ngoại hỏi ba rằng: “con của con là con gái, con có buồn không?” Em nghĩ phải là một người vừa tâm lý, vừa nhẹ nhàng vào hiền hậu mới có thể thốt ra những lời như vậy. Bà Ngoại sợ ba em buồn.
Năm em học lớp hai, bà Ngoại tặng em một chiếc nhẫn, chiếc nhẫn bằng vàng hẳn hoi đeo vào ngón tay bé xíu của một đứa trẻ. Chiếc nhẫn này mẹ giữ rồi không chịu trả lại cho em. Em nghĩ lại thì thấy đó là tình yêu của một người bà giành tặng những thứ quý giá nhất cho đứa cháu thân thương của mình.
Điều mà bà Ngoại trăn trở nhất chắc là việc em không theo đạo, nên năm nào cũng xúi em về xin Ba cho em được rửa tội, được rước lễ lần đầu. Nghĩ lại cũng thương bà Ngoại em quá, có một đứa cháu lớn mà không thể dắt nó gia nhập cái đức tin mà mình theo đuổi.
Em viết đến đây thì mất hẳn ý, chẳng biết phải viết tiếp thế nào. Em đã nghĩ là mình có thể ráng bịa thêm chuyện để bài viết này được hoàn chỉnh hơn, năng lực bịa chuyện và lý thuyết tầm xàm thì em có đầy một bụng. Nhưng em không thể thuyết phục được chính bản thân mình nếu cảm xúc của mình là không thật. Chỉ khi nào ngồi xuống viết một bài, mà em thật sự rung cảm thấy được chính mình trong từng lời văn thì hồn vía của trang viết này mới đầy đặn, chứ không phải là một chuỗi sự kiện diễn ra.
Suy cho cùng, thế giới mà anh (người đọc) tìm thấy và muốn thấy trong những trang văn không đầu không cuối bao giờ cũng là thế giới đã được lọc qua tâm hồn của em ( người viết): Đó là thế giới đã được em tháo ra và lắp lại theo một cấu trúc và tỷ lệ hoàn toàn khác. Em vốn dĩ muốn xâm nhập vào cái thế giới tuổi thơ trước khi bà Ngoại mất, nhưng dường như em chỉ có thể tìm được những mảnh ghép không hoàn chỉnh mà không có cách nào có thể sắp xếp lại thành một bức tranh tổng quát được. Người ta thường nói hạnh phúc thì dễ nhạt phai, và đau thương thì còn mãi là vậy mà. Viết về cái chết thì em có thể viết luôn tuồn một mạch, viết về ngày xưa hạnh phúc thì em ngồi mãi trước màn hình cả tiếng đồng hồ cũng không tài nào có thể viết hết ra được.
Nhiều người hay nói rằng họ thích những câu chuyện có cái kết vui nhưng họ lại nhớ lâu hơn những câu chuyện có cái kết buồn. Em cũng vậy thôi, ngày xưa đọc truyện Quỳnh Dao mà hai nhân vật yêu nhau không đến được với nhau là em buồn ủ rũ suốt cả tuần liền. Em sợ buồn tới nỗi trước khi mua sách em sẽ mở chương cuối ra đọc xem là kết thúc này có hạnh phúc không. Bây giờ thì em nghĩ khác, như hôm qua em mượn cái chết để nói về sự sống, vì em nghĩ cái chết đôi khi sẽ giúp người đọc hiểu về cuộc sống được nhiều hơn. Một kết thúc viên mãn đem lại sự hài lòng, nhưng như vẫn thường xảy ra, khi mình đã hài lòng với điều gì thì mình sẽ không còn phải lăn tăn suy nghĩ về nó nữa. Một cuộc chia ly, một cảnh tan vỡ, một sự mất mát sẽ khiến tâm hồn mình cảm thấy bị thiếu hụt và nhói đau, để lại trong tim mình một vết cắt. Mình sẽ lật tới lật lui câu chuyện, lộn trái các biến cố, xới tung các sự kiện để tìm lý do tại sao mọi sự lại như vậy.
Tình yêu cũng vậy thôi, con người ta hay mơ màng nghĩ về mối tình đầu bởi vì đó là mối tình bị đứt đoạn, như em đã kể 2 hôm trước đó, cảm giác nó giống như một cuốn sách bị ai xé mất mấy trang cuối, và chính vì ta mãi mãi không bao giờ biết được phần sau của nó mà ta nuối tiếc nó hơn là mối tình hiện tại chẳng hạn ( nếu anh may mắn ) vì ta biết chắc là mối tình ta đang có nó đang bắt ta kiếm tiền, giặt đồ, đi chợ, rửa chén, và thỉnh thoảng ra toà ly dị.
Em lại huyên thuyên nữa rồi, mà em cũng chẳng biết viết gì tiếp theo nên em sẽ viết câu bà Ngoại hay nó và cứ lần nào em ngửi một trái thị em đều nghe tiếng bà Ngoại vẳng lên trong tai mình: Thị bà để ngửi chứ bà không ăn 🙂
Cảm ơn bà Cố, cảm ơn bà Ngoại, cảm ơn bà trẻ Hoa Lớn đã cho con một tuổi thơ đủ đầy, đã truyền cho con tình yêu cái đẹp của sự chân-thiện-mỹ. Và đây chính là thứ con sẽ theo đuổi suốt đời mình.