Sống và yêu (Phần 5)
Phần 4
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Em là một người “pro-love”, tức là một người có niềm tin tuyệt đối vào tình yêu. Mình thường nghe mấy câu ” tình yêu sẽ chữa lành tất cả, hoặc của phật pháp thì dùng Compassion – hay tiếng việt gọi là Từ Bi” thường mình sẽ nói rằng đây là những lời nói sáo rỗng, là cliché. Nói như vậy quả là có phần đúng, vì những câu này được những người không hiểu nó nói ra, và những người không hiểu nó nghe, nên mình vô tình định danh những câu nói đó vào những thứ sáo rỗng thật sự. Nếu mình bỏ cái lớp vỏ bọc ở bên ngoài đó, và tìm hiểu sâu hơn, mà em gọi là “micro-analysing” love , tức là tìm hiểu vi mô về tình yêu, thì em càng thấy mình tìm đúng về bản chất của nó hơn.
Chú Nguyễn Nhật Ánh viết rằng “đôi khi cuộc sống chảy theo cách nó muốn. Chúng ta nghĩ như thế này, cuộc sống lại làm ngược lại”, hồi trước thì em thấy đúng thật, nhưng bây giờ nghĩ cuộc sống vốn dĩ là một dòng chảy, dòng chảy thì không có ý định, và không có ước muốn. Dòng chảy chỉ đi theo sự tổng hoà của mọi vận động của trời, đất và người. Cũng như cuộc sống, tình yêu cũng là một dòng chảy, nên rất khó để có thể nói rằng mình có yêu một người không tương tự như việc mình có hạnh phúc không. Bởi lẽ dòng chảy là một sự vận động liên tục không ngừng nghỉ.
Em nghĩ rằng thay vì hỏi câu: Em có yêu thương anh không? Thì mình nên hỏi câu em có sẵn sàng tham gia con đường tình yêu lắm chông gai nhưng cũng thật xứng đáng với anh không? Bởi lẽ, sẽ không bao giờ có một câu trả lời đúng cho toàn bộ quãng thời gian mình có mặt ở trên đời, mà ở từng thời điểm sự đáp trả của mình với tình yêu một ngày, một giờ hay thậm chí là một phút trước sẽ quyết định phút tiếp theo, giờ tiếp theo và ngày tiếp theo sẽ xảy ra như thế nào. Mỗi một khoảnh khắc sẽ lại tới với những thay đổi mới với hàng vạn duyên khởi mới.
Em cảm thấy dường như cách mà văn học và triết học khi đơn giản hoá những triết lý của cuộc sống để cho đại chúng có thể hiểu được thông qua những câu hỏi như là “Hãy tìm đam mê của bạn” , “Đi tìm soulmate” làm cho đa số hiểu sai về sự thật của cuộc sống. Khi đặt vấn đề theo lối suy nghĩ này mình sẽ mặc nhiên định dạng “Đam mê, soulmate, hạnh phúc, tình yêu” là đích đến của mỗi một con người.
Thật là nhảm nhí! Làm gì có chuyện chỉ có một công việc hay sở thích ở ngoài kia mà được vũ trụ đo ni đóng giày đặc biệt chỉ giành cho đam mê của mình, cũng giống như việc làm gì có chuyện chỉ có “Một” người trong số 8 tỷ người trên trái đất này mà mình được định sẵn sẽ sống suốt đời và nếu không tìm được người đó thì mình sẽ đau khổ đơn độc suốt đời vì bởi lẽ tôi chỉ có nắng vàng và mưa bay, đường xa và bụi hồng làm bạn, có khi cứ thế một mình đi thẳng từ chiếc nôi ru đến nấm mồ.
Thiếu một nửa tôi đi tìm một nửa
Một nửa nắng vàng, một nửa mưa bay
Một nửa khuya, một nửa chiều, nửa gió
Ai sẽ là một nửa của tôi đây?
Bởi vì đặt câu hỏi sai dẫn đến nhận định vấn đề sai và cuối cùng kết quả là mình đau khổ vì nhận định của mình không trùng khớp với thực tại. Cuộc sống có nhiều hơn một hiện thực, và các hiện thực đó rất khác nhau nữa. Bình thường thì chúng ta vẫn hồn nhiên sống, vẫn ngây thơ tin rằng những gì mình nhìn thấy mỗi ngày – lá reo trên cành, mây bay trong nắng, tiếng lao xao vọng vào tai ta, những hình ảnh đập vào mắt ta – chính là cuộc sống mà ta nhận biết và yêu thương. Hoá ra đó chỉ là sân khấu dưới ánh đèn màu. Phía sau hậu trường còn tồn tại một hiện thực khác mà ta không chuẩn bị sẵn để đối diện. Hoá ra, càng lớn lên thì mình càng hoang mang nhận ra cuộc sống phức tạp hơn ta tưởng. Nó đầy rẫy những điểm mù. Có lẽ cuộc sống thoạt đầu trong veo như một viên bi dưới ánh mặt trời, nhưng rồi càng lăn theo vòng quay số phận, viên bi ngày càng xây xát trầy trục, để rồi mờ đục qua từng ngày. Và sẽ có những người lựa chọn để cho viên bi đó đục hết suốt cuộc đời của mình, Ví dụ như mẹ em, điên rồ từng ngày húc đầu vào bức tường dĩ vãng mà không biết rằng mình tự đang tự làm đau mình, và viên bi sẽ ngày càng mờ đục hơn. Cũng có những người khác sẽ mài dũa đi cái phần trầy đục đó để trả lại một viên bi khác, không tròn vành vạnh như xưa nhưng lại có nhiều cạnh khúc xạ ánh sáng rực rỡ như một chiếc kính vạn hoa.
Em đang nói tới đâu rồi nhỉ? Lại lạc đề mất rồi, em đang nói về việc mình là fan hâm mộ của tình yêu, và mức độ hiểu về tình yêu của mình đến đâu.
Em hâm mộ tình yêu vì nó đêm lại một cảm giác phơi phới khác với những thứ tình cảm khác. Tình yêu sẽ khiến mình cảm thấy trên đầu bầu trời xanh hơn, mây trắng hơn và bên tai của mình nữa, tiếng chim hót cũng véo von hơn. Em nghĩ mình chỉ có thể định nghĩa tình yêu bằng chính tình yêu thôi. Tình yêu là một thứ không thể dán mác. Cho điểm tình yêu hoặc gán cho tình yêu bất cứ thang bậc nào là cách tốt nhất để chứng minh mình không hiểu nó.
Có người còn nói, tình yêu cần được phân loại: Yêu bằng lý trí và yêu bằng con tim. Theo em, đây là một ý tưởng sai bét nhè, vì tình yêu chẳng liên quan gì đến lý trí, giống như việc so sánh giữa một tô phở và chiếc xe máy, cái gì tốt hơn? Lý trí vốn dĩ không biết yêu. Giống như một người cảnh sát giao thông, lý trí chỉ có nhiệm vụ theo dõi và uốn nắn con tim- với cái còn lúc nào cũng lăm lăm trên miệng. Và con tim, như lịch sử nhân loại đã chỉ ra, lắm khi vượt đèn đỏ hoặc đi vào đường một chiều. Bởi cũng như con người, con tim luôn có những giới hạn. Nó cũng đầy rẫy những lỗi lầm. Nhưng cho dù như vậy, lỗi lầm của con tim, theo em, là loại lỗi lầm đáng tha thứ nhất trong các loại lỗi lầm mà loài người mắc phải.
Người ta còn dùng từ “cao thượng trong tình yêu”, em nghĩ là trên thực tế không có cái gọi là cao thượng trong tình yêu. Cao thượng nếu có, chỉ là giới hạn ở cách hành xử. Còn về tình yêu, trái tim nào cũng bị sự ích kỷ giam cầm. Ai mà tuyên bố tui hạnh phúc khi thấy người mình yêu hạnh phúc bên cạnh người khác thì chỉ có hai trường hợp xảy ra, một là người đó dối lòng, hai là người đó không thật sự yêu người đó. Làm sao có thể lấy hạnh phúc của người mình yêu làm hạnh phúc của mình trong khi mình là kẻ đứng bên lề của con đường hạnh phúc và tình yêu nhìn vào với ánh mắt thèm thuồng, ghen tị. Em nghĩ huyền thoại kiểu này chỉ tồn tại trong văn học và điện ảnh. Tuyên bố đó chỉ thật sự đúng khi người ta đã hết yêu. Nếu người ta vẫn đang bước đi trên con đường tình yêu nhưng đơn độc vì người mình yêu đã chọn rẽ sang con đường yêu khác mất rồi, thì cái con đường người đơn độc đó đang đi bất chợt đổi tên thành con đường Bất Hạnh.
Hy sinh dĩ nhiên là một phẩm chất của tình yêu, thậm chí là phẩm chất cao nhất, nhưng trong tình yêu người ta có thể hy sinh tất cả trừ người mình yêu. Nếu mình hy sinh cả người mình yêu thì có nghĩa là cơ hội yêu bị dập tắt và tình yêu không còn tồn tại. Bởi yêu là yêu một con người chứ không yêu một khái niệm, con đường tình yêu bắt buộc phải có ít nhất hai người tham gia, mình cần nắm cụ thể một bàn tay chứ không phải là nhìn và đường viền hay phản chiếu của đối tượng.
Em tin rằng mỗi trái tim không hẳn chỉ có một chìa khoá duy nhất để mở. Có khi chiếc chìa khoá sẽ hơi lệch một chút, nhưng với sự ủng hộ của thời gian, tấm lòng nhiệt thành của cả hai (hoặc nhiều) người thì sẽ tự động mài mòn những góc cạnh xù xì, sẽ khéo léo gọt giũa sao cho chỉ cần đút chìa khoá vào xoay nhẹ một cái là tâm hồn phơi phới cho dù ngày hôm đó của mình có tệ như thế nào. Con đường tình yêu vốn dĩ tinh khôi như ánh mặt trời, em tin rằng nếu mình sống trọn vẹn với tình cảm của mình như con tằm nhả đến sợi tơ cuối cùng cốt để nói rằng em đã dốc hết lòng mình, không hề có ý định giữ lại.
Em tin rằng tình yêu không phải chỉ là cảm xúc, hay nói cách khác là cảm xúc chỉ là tiền đề tạo ra tình yêu nhưng một mồi lửa trên đống củi. Cảm xúc này được tạo ra bởi những lý do hết sức logic. Thật ra mình không thể tự do yêu bất kỳ ai mình muốn, đơn giản là vì ở trong mỗi con người đã có một bản đồ tình yêu được tạo ra với những viên gạch đầu tiên là cha mẹ của chúng ta. Sau đó nữa là những bộ phim hoạt hình, những cuốn tiểu thuyết mà mình từng đọc, là anh chị, cô dì, chú bác của chúng ta.
Khi đống củi đã được châm lửa, hay nói cách khác là có một người fit vào map of love của mình thì việc mình điều chỉnh châm củi như thế nào để giữ lửa lại là việc khác. Tình yêu là nỗ lực lớn lao để thu hẹp khoảng cách, san bằng mọi hố sâu để con đường lúc đầu chông gai sau dần thì bằng phẳng và bình an, như một chỗ nương náu đáng tin cậy. Để làm được việc đó, đòi hỏi cả hai cá thể phải tự hoàn thiện mình mỗi ngày và thi thoảng kiểm tra xem sự hoàn thiện này có vừa khớp không.
Tình yêu không phải là chấp nhận hết mọi thứ về người bạn của mình. Tình yêu không phải là sự ngưỡng mộ cho cái đẹp cái hoàn hảo, mà là sự cảm thông sâu sắc cho rất nhiều thứ không hoàn hảo ở người bạn đời của mình. Sự đồng cảm trong tình yêu hoặc có hoặc không, chứ không cần bất kỳ một phiên dịch nào.
Tình yêu nếu đúng thì nó sẽ càng ngày càng lớn hơn đến mức có cảm tưởng trái tim mình phải cơi nới ra để đón tặng những gì mà nó ban tặng.
“Không phải mọi thứ lấp lánh đều là vàng”. Nhưng em tin chắc rằng nếu là vàng thì nó nhất định lấp lánh mà chẳng cần bất kỳ một phép thử nào cả.