Francesca đang ở Canada được bảy năm có lẻ, vài tháng nay thì thất nghiệp nhưng có bảo hiểm thất nghiệp được chi trả nên cũng sống khuây khoả. Em hay gọi dt hỏi thăm, và thường hay nói rằng về VN với Mai đi, M đang hơi nghèo nhưng vẫn có thể cho P một tổ ấm nhỏ để trú tạm tìm ra một con đường sáng khác.
V đang ở Mỹ, cuộc sống không mấy vui, em cũng hay gọi hỏi thăm, và cũng thường hay nói nếu khổ quá thì về VN đi. Chị em mình chiều thứ bảy đi ra công viên ngồi chơi với chó có phải vui không.
Hồi trước, thì em nghĩ khác, mỗi khi em thấy người khác (theo nhận định của em ) là đi vào con đường tối thì em sẽ lập tức ra sức ngăn cản với tinh thần lấy thân mình lấp lỗ châu mai, hoặc “còn cái lai quần cũng đánh”. Nói một cách khách là em cũng có tính Savior, tự cho mình là Quan Toà, đánh giá đâu là thiện, đâu là ác, đâu là có tội đâu là không có tội, cái sự ngạo nghễ với đời vẫn còn cao ngút ngàn. Bây giờ thì em có phần đỡ hơn một xíu, vẫn cho mình cái quyền đánh giá đúng sai nhưng không lên án, cũng không ngăn cản. Bởi vì cho dù mình có ngăn cản thì điều đó vẫn xảy ra, và mỗi khi em nghĩ ai đó đang making a terrible mistake, thì em cũng nghĩ tiếp là It’s theirs to make and who am I to stand in the way of it. What I can do it just to be there to listen to try to help them see clarity and the truth because there’s only one truth. My only hope is for the one who’s suffering seeing things as they are, then whatever they decide to do with it, it’s their choice :).
Ôi, em lại lạc đề đi đâu mất rồi. Em muốn nói về khoảng cách địa lý của trái đất này.
Nhớ hồi mấy năm chín sáu chín bảy, khi mà em còn đang học mẫu giáo tiễn đứa bạn trong xóm đi định cư ở Mỹ. Tụi mình khóc quá chời. Thời đó năm nào cũng có một bạn đi Mỹ, không phải bạn hàng xóm thì là bạn trong lớp tiểu học. Xứ Mỹ xa xôi như một nơi mơ hồ không có thật, kiểu này suốt đời không còn gặp nhau được. Làm gì có email với chat chit, địa chỉ nhà của nó ở bên Mỹ thì nó cũng không biết thành ra cũng không thư từ gì được. Em có đứa bạn cũng tên Ti giống tên của bé Ty bằng tuổi của em nên hồi nhỏ thân lắm, là bạn thân nhất của em, ngày nào cũng ra xóm chơi nhảy dây, nấu sáp đèn cầy, lò cò, rồi chơi ăn quan. Đến một ngày Ti cũng đi mất và hai đứa em mất liên lạc tới giờ.
Năm lớp ba, em cũng có đứa bạn tên Hồng Ngọc, hay tổ chức sinh nhật rất đẹp, tổ chức xong mình tới dự chụp hình bữa sau bạn còn rửa hình đưa lại cho các bạn tham dự. Rồi bạn cũng theo gia đình đi Mỹ, bẵng đi mấy năm thì em thấy mấy tấm hình chụp với bạn, viết vội vài dòng đằng sau tấm hình rằng thì là Ngọc ơi, tớ nhớ cậu lắm. Không biết cậu bây giờ như thế nào, có vui lắm không. Mẹ phát hiện rồi đọc lớn và cười chế nhạo em, nói là em nói xạo, vậy rồi em chẳng bao giờ để mẹ thấy bất kỳ thứ gì mình viết nữa.
Nghĩ đi nghĩ lại thì có vẻ như em đã được học bài học chia ly từ rất sớm. Vì mỗi lần một người bạn đi rồi thì em chẳng bao giờ có thể liên lạc được với bạn đó nữa. Và mỗi một người bạn bỏ đi thì em lại càng thu mình lại chẳng quen thêm bạn mới. Ti đi ra khỏi xóm thì em cũng không tìm bạn khác để chơi mà chuyển sang đọc sách và học bài.
Hồi mười bốn, mười lăm tuổi ba có hứa cho đi du học vậy mà tới gần lúc phải đi ba nói thôi không đi nữa vì con đi ra khỏi nhà rồi con học đại học, rồi học thạc sĩ rồi con đi luôn, ba đi làm ba nhớ .. chịu hổng nổi. Em ở nhà với má cũng .. khổ chịu hổng nổi. Em khóc mấy ngày mấy đêm vì giấc mơ tự do không được thực hiện, có lúc còn gọi điện thoại sang Canada kêu cô nhận mình làm con nuôi để con được đi được không cô? Lần đó là lần duy nhất ba thất hứa với em.
Vậy mà chục năm sau, thế giới xoay chuyển nhiều. Một trong những điều em thấy rõ nhất là thế giới gần gụi lại. Xứ Mỹ, xứ Canada cũng gần hơn.
Mấy đứa bạn em đi Mỹ như .. đi chợ.
Mỹ và Việt Nam mở cửa thông thương. Làm gì ngờ có ngày thấy xe Việt Nam trên đất Mỹ. Tụi bạn mình đứa nào cũng đủ điều kiện để Lãnh Sự Quán hân hoan đóng cho cái dấu trong passport mà tung tăng bung lụa. Làm gì ngờ có ngày thấy bạn mình phải tranh thủ đi Mỹ vì con dưới 2 tuổi được miễn phí vé máy bay.
Xứ Mỹ trở nên gần đến không tưởng.
.
Sự lưu thông giữa người (và hàng hoá) ở Việt Nam làm giảm khao khát vật chất quà xách tay, nhớ hồi còn nhỏ mỗi lần dì Xuân và bà Trẻ về nhà lúc nào cũng mang mấy lốc chai dầu xanh con ó, em ghét cái mùi đó lắm, tới bây giờ vẫn ám ảnh về dầu vì mẹ xức liên tục, những viên M&M và Kisses ngọt lừ, những quần áo thơm “mùi Mỹ” không còn là thứ quá hiếm hoi. Bây giờ thứ hiếm hoi là bánh tráng trộn từ việt nam, Gỏi gà măng cụt xách tay từ VN qua Mỹ giống như mình về Bến Tre xách con gà lên Sài Gòn ăn cho nó ngon.
Nhờ vậy, nhiều người cũng dần nhận ra đâu là sự thật đâu là huyền thoại về xứ này.
Những câu chuyện truyền miệng đeo mang giấc mơ “qua Mỹ là auto-giàu, chính phủ nuôi hết”, hay “xứ tự do làm gì cũng được”… được trả về bản chất thật của nó.
“F về Việt Nam đi, cơ hội phát triển nhiều hơn, được sử dụng đúng thực tài của mình! ” “Em về Việt Nam đi, hạnh phúc hơn, tự do hơn, thứ gì cũng có lại còn không phải tốn công sức, đồ ăn nhấn một phát là tới nhà, giúp việc qua nhà dọn tuần bốn lần em không cần phải phí thời gian” là những câu cửa miệng mà mình hay nói với các bạn. Vì sự thật là như vậy thiệt, ở một nơi mà tất cả mọi thứ đã phát triển sẵn rồi thì cơ hội không còn nhiều, mà mình phải dành rất nhiều thời gian để đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, trả tiền bill thì còn lấy đâu ra thời gian để ngồi viết thơ thẩn như em đang làm bây giờ.
Chị Hương qua nhà một tuần 4 buổi, mỗi buổi qua khoảng 2 tiếng là 8 tiếng nhưng chị Hương là người dọn dẹp chuyên nghiệp nên làm nhanh, nếu để em làm thì phải gấp 3 lần số thời gian này là hai mươi bốn tiếng vậy là ngoài giờ đi làm, đi ngủ, đi ị, thì phần còn lại là dùng để dọn dẹp thôi.
.
Chị T ôm mộng đi Canada. Chị nói rằng chị thành công cũng sớm là do may mắn, nhà cao cửa rộng, có xe hơi, có đất dư, sống ở thành phố biển rất đẹp, lương tháng cover được cho bản thân và gia đình, ăn xài thoải mái .. chị nghĩ là từ bây giờ tới cuối đời thì cũng cũng sẽ như vậy nên chị muốn thay đổi môi trường sống, thử coi nó sao. Em hông có cản, em nói chị thích thì cứ đi thôi, nhưng chị đi thì nhớ mở rộng tâm trí mình ra ở đâu phù hợp thì mình ở, ở Canada thích quá thì ở luôn, mà ở không thích thì đi về lại Việt Nam.. vì chỉ có một vé máy bay thôi mà, dễ lắm. Mà dễ vậy thì cả gia đình chị bay sang coi thử trước đã chứ sao lại tính toán chị xa xôi quá.
Bây giờ thế giới gần nhau như vầy, cho phép mình thử cũng dễ hơn rất nhiều.
.
Em và người thương bàn với nhau muốn đi Châu Âu ở vài tháng hay vài năm gì đó, vì ở đó có thứ văn hoá nghệ thuật mà mình không chạm tới được, phải ở lâu thong thả thì mình mới có thể chiêm ngưỡng hết cái đẹp ở xứ mùa đông. Rồi mình từ từ tính tiếp xem ở đâu nữa, trái đất bây giờ nó nhỏ như vậy đó, đi hay ở chỉ là do mình muốn thôi chứ không phải là một chuyện xa vời như lên mặt trăng nữa.
.
Trong phim Beef, Danny có nói: Internet was invented right when we hit puberty. Đúng là như vậy thiệt, em cảm thấy mình sinh ra đúng ngay vào giai đoạn nước mình dần nhiều có cơ hội và đỡ khổ hơn rất nhiều, thật là may mắn cho bản thân mình vì cái định nghĩa tự do của em nó rộng ra hơn được rất nhiều.
.
Nguyện mỗi chúng ta, dù ở đâu, cũng được trọn vẹn trong từng lựa chọn của mình.