Sáng nay thức dậy em thấy lòng mình ỉu xìu như cái bánh bao chiều để mấy ngày chưa ăn. Hình như nỗi buồn là một căn bệnh rất dễ lây thì phải, anh Tri ở nhà em mấy ngày, đi rồi nhưng mà nỗi buồn cứ phảng phất đâu đây. Cuốn sách Thợ Xăm ở Auschwitz mà em đang đọc dở càng làm cho tâm trạng của mình tuột dốc không phanh, nhất là vào một ngày âm u không nắng như hôm nay. Sáng nay em không cần phải học Yoga nên em đắm chìm trong thế giới của Lale và Gita mà muốn đâm đầu vào ghế vì nó buồn quá anh ạ, buồn không thể nào diễn tả bằng lời được. Buồn tới mức mà em chỉ muốn ngồi đây mãi nhìn vào những con chữ mà không làm gì hết. Thật là một quyết định tai hại, tại sao mình lại bắt đầu ngày của mình bằng một bi kịch như vậy nhỉ? Em đã vừa đọc vừa nghĩ như vậy đó.
Trong tâm lý học có một concept gọi là sadomasochism, nghĩa là có một nhóm người cứ thích làm đau mình, và chịu đau. Em nghĩ chẳng phải là một nhóm người đâu, cả nhân loại này đều thích tự làm khổ mình. Những con chiên của Đức chúa trời, vừa sinh ra là phải mang một tội tày đình để mà cả đời phải làm việc vất vả để chuộc lỗi. Những Phật tử trước khi bước tới đạo thì phải trả qua ải khổ trước đã, mà còn phải là khổ – tập – diệt – đạo. Cho nên, cái việc mà buổi sáng thay vì chọn một cuốn sách thật tươi vui, em lại đi chọn cuốn sách đau khổ nhất trên giá sách của mình mà đọc âu cũng là điều dễ hiểu.
Ở Auschwitz, khi hiện thực thật sự quá đau đớn và phũ phàng, làm sao những người như Lale có thể tìm được ánh sáng hy vọng nhỉ? Để thấy rằng, không ai có thể tước đoạt được khỏi ta những gì ta quyết định đặt trong tâm trí mình. Ở Auschwitz lựa chọn kết thúc cuộc sống còn dễ dàng hơn nhiều việc nuôi hy vọng để thoát ra khỏi đó. Thế nhưng lại có những người như Lale, một người mà ở trong tâm trí anh có một sự tự do mà tên lính SS vừa đánh anh thừa sống thiếu chết không bao giờ có được. Cái đau về thể xác chẳng còn quan trọng. Nó là bằng chứng kì diệu về quyền lực của anh, một quyền lựa chọn chứ không chấp nhận là nạn nhân, quân cờ của trò chơi số phận nghiệt ngã.
Lale chọn tình yêu, sức mạnh của tình yêu, của niềm khao khát cháy bỏng được bảo vệ người mình yêu quý có một ma lực thần kỳ khiến anh có thể bước vào phòng hơi ngạt rồi bước ra mà vẫn thấy bầu trời thật xanh. Cái cảm giác được hoà quyện được thuộc về một người quan trọng, cảm giác tình dục, cảm giác thuộc về người anh yêu, hàng ngày, hàng giờ. Cảm giác nghĩ về một ngày mà anh có thể hôn Gita bất kỳ lúc nào anh có thể có thể quấn lấy cơ thể cô bất kỳ lúc nào anh muốn, là thứ giúp anh sống thêm một ngày ở địa ngục trần gian.
Em nghĩ ở bất kỳ thời điểm nào mình cũng có thể có sự lựa chọn ngay cả nơi ngục tối tăm nhất trên trái đất này cũng không thể ngăn hi vọng nở hoa. Và hoa Tình yêu là loài hoa đẹp nhất. Cho nên, Thiên đường và Địa ngục có thể tồn tại ngay tại đây phụ thuộc vào những gì mình đặt và nắm giữ trong tâm trí của mình.
Cuộc hành trình đi tìm lẽ sống của mỗi người là động lực cơ bản trong cuộc đời của một người, lẽ sống cụ thể và duy nhất bởi nó phải và chỉ có thể hoàn hiện bởi chính người đó. Chỉ lúc đó, ta mới tìm thấy ý nghĩa sống của mình trong cuộc đời. Khi chúng ta từ bỏ trách nhiệm đối với bản thân, chúng ta cũng sẽ từ bỏ khả năng sáng tạo và khám phá. Nói cách khác, chúng ta từ bỏ cuộc sống của chính mình.”
Viktor Frankl
Như em chẳng hạn, suốt một thời gian dài, em đã chọn cuộc sống địa ngục. Em than thân trách phận, em oán hận cuộc đời. Em ở trong vòng xoáy đau khổ và làm đau khổ người khác mà chẳng nhận biết được thật ra thiên đường hay địa ngục đều là ở trong tâm ta mà ra. Cảm xúc là thực tại, nhưng còn có một thứ còn cao hơn cả cảm xúc, chính là thái độ sống. Anh có biết rằng, yêu cũng là một thái độ sống không. Yêu thương nhiệt thành như Lale chính là thái độ sống bao dung, là mình muốn mời một người mà năm phút trước là người lạ đi vào cái vòng tròn thân mật của mình. Người ta nói yêu là chết trong lòng một ít là vì vậy đó, mình phải nhường một phần chỗ trong cái vòng tròn của mình cho một người lạ, mà đó giờ mình chưa quen biết. Nhưng đồng thời cũng khiến cho vòng tròn mình lớn hơn, vì lớn hơn thì mới có thể chứa đựng được thêm một người chứ.
Em nghĩ thái độ sống là khuynh hướng của cảm xúc, nếu mình có thể giữ được tâm của mình bao dung một chút, từ bi một chút thì có thể bao hàm được tất cả mọi thứ. Khi mình có thể bao dung và hiểu được tất cả hành vi của tất cả mọi người trên trái đất này thì cảm xúc của mình cũng vì vậy là an yên hơn. Em nghĩ anh Lale khi đóng vai trò người thợ xăm, đồng thời cũng là người tiếp tế cho những người bạn, và cho Gita đã sống bằng một trái tim đầy tình yêu thương và sự bao dung. Anh không còn thấy sự khác biệt, ranh giới giữa anh và Gita được xoá nhoà hoàn toàn, vì anh đã chọn cho mình cách yêu đẹp nhất, cách yêu với một thái độ bao dung. Đây cũng chính là phong cách sống và thái độ sống mà em hướng tới, em vẫn cố gắng từng ngày thôi và em tin là mình vẫn đang làm việc đó rất tốt. Em sẽ yêu một cách bao dung, trọn vẹn bằng cả một trái tim.
*
Em cứ không ngừng suy nghĩ về hôm thứ bảy khi đi xem bóng rổ, em không ngừng suy nghĩ về việc xoay chuyển suy nghĩ của mình. Nó kỳ diệu quá anh ạ.
Einstein nói là “The world as we have created it is a process of our thinking. It cannot be changed without changing our thinking” nên khi em còn nhỏ, với trình độ hạn chế của mình, thì cũng nhìn thấy cái sự hạn chế của thế giới.
Cũng từng đó cầu thủ, game nào cũng bốn mươi phút chia làm bốn hiệp, mà sao nó khác quá. Em dịch chuyển giữa quá khứ và hiện tại, giữa từng microseconds khi trái banh không chạm vào rổ và những cầu thủ chạy như bay về sân nhà để cố thủ. Sống ở hiện tại là đây chứ đâu, đâu cần phải ăn chậm, bước chậm nói khẽ cười duyên. Đứng ở trong vận động trường, được làm cầu thủ thì tốt quá, nếu không làm khán giả thì cũng được, nơi mà thời gian chính là hiện thực khi toàn bộ ánh nhìn của hai nghìn người tập trung vào cái khoảnh khắc trái bóng bay lên giữa không trung rồi vỡ oà vì chẳng hiểu bằng một cách tính toán thần kỳ nào đó của tạo hoá mà người chơi có thể thảy một trái banh xoáy với vận tốc cực lớn rơi đúng vào một chiếc lỗ vừa khít không chệch đi một mi li mét nào.
Để kết lại bài này, em xin quote lại câu của thầy Minh Niệm: bạn đừng có quá bận rộn để can thiệp hay là thay đổi thế giới bên ngoài, mà bạn nên thay đổi chính bạn. Ít nhất bạn giữ phong độ tốt nhất mà bạn có thì lúc đó bạn sẽ nhìn thế giới này bằng một lăng kính khác.
Đời thay đổi khi ta thay đổi là vậy đó 🙂